Tiểu sử Khâm Thánh Hiến Túc Hoàng hậu

Cận chân dung Khâm Thánh Hiến Túc Hoàng hậu.

Khâm Thánh Hiến Túc Hoàng hậu Hướng thị, nguyên quán ở quận Hà Nội thuộc Khai Phong, nay là Thấm Dương, Hà Nam. Xuất thân của Hướng hậu rất cao, là danh môn vọng tộc thuộc hàng công huân.

Tằng tổ phụ là Thái úy Trung thư lệnh tặng tước Yên vương, sau cải tặng Định vương Hướng Mẫn Trung (向敏中), đương thời là một trong những danh thần triều Tống Chân Tông. Tổ phụ Giá bộ Viên ngoại lang, tặng Chu vương Hướng Truyền Lượng (向傳亮), thời Triết Tông tặng làm Vệ vương. Thân phụ Định Quốc quân Lưu hậu tặng Ngô vương, cải tặng Tần vương Hướng Kinh (向經), mẹ cả là Lý thị truy tặng Dự Quốc thái phu nhân (豫國太夫人), sau cải tặng Yến Quốc thái phu nhân (燕國太夫人), còn mẹ đẻ (hoặc mẹ kế) là Trương thị tặng Ký Quốc thái phu nhân (冀國太夫人), sau cải tặng Hàn Quốc thái phu nhân (韓國太夫人)[1][2][3].

Năm Trị Bình thứ 3 (1066), Hướng thị thành hôn với Dĩnh vương Triệu Húc. Theo truyền thống của nhà Tống, các Vương phi thường có Cáo mệnh như một Ngoại mệnh phụ, Hướng phi được ban cho Cáo mệnh, hiệu An Quốc phu nhân (安國夫人). Năm thứ 4 (1067), tháng giêng, Tống Anh Tông băng hà, Triệu Húc kế vị, tức Tống Thần Tông. Ngày 22 tháng 2 (âm lịch) cùng năm, bà được sách lập làm Hoàng hậu[4].

Theo Tống sử ghi nhận lại, Hướng hậu giữ ngôi Trung cung trong vòng 18 năm, được đánh giá là hiền huệ, ôn hòa lễ độ, quản chủ hậu cung một cách sáng suốt, hơn nữa lại rất được lòng Cao Thái hậu. Tống Thần Tông đối với việc lập Trữ quân còn do dự, Hướng hậu khen ngợi An Quận vương Triệu Hú, con trai của Chu Đức phi là người thông minh, nên Thần Tông quyết định lập Triệu Hú làm Thái tử[5].

Năm Nguyên Phong thứ 8 (1085), Tống Thần Tông băng hà, Thái tử Triệu Hú thuận lợi kế vị. Tân đế đăng cơ, liền tôn Tổ mẫu Cao Thái hậu trở thành Thái hoàng thái hậu, thùy liêm thính chính, Đích mẫu là Hướng hậu làm Hoàng thái hậu, và Sinh mẫu Chu Đức phi làm Hoàng thái phi[6]. Khi Cao Thái hoàng di cung, đã có ý để lại cố cung là Khánh Thọ cung (慶壽宮) cho Hướng Thái hậu đến ở. Nhưng Hướng Thái hậu lễ độ từ chối, lấy lý do "Không rạch ròi thứ bậc" mà không dám ở chính cung. Thế là, Cao Thái hoàng cho sửa một gian hậu điện phía sau, đổi gọi là Long Hựu cung (隆祐宮), chính điện là Long Hựu Từ Huy điện (隆祐慈徽殿), đưa cho Hướng Thái hậu đến ở[7]. Tống Triết Tông được tuyển hôn hơn 100 người con gái danh giá, nhưng Hướng Thái hậu không chủ trương tiến cử con cháu họ Hướng, để tránh bị đàm tiếu là ngoại thích chuyên quyền, bà nói:「"Gia tộc của ta chưa hợp để dùng lệ ấy. Có lý nào vì tư tình mà làm náo loạn công pháp chứ?!"」[8].

Sau khi Cao Thái hoàng băng hà, bọn đại thần có mâu thuẫn với Thái hoàng là Chương Đôn, Thái Biện, Hình Thứ âm mưu chia rẽ Triết Tông và Cao Thái hoàng, dâng sớ chứng minh Thái hoàng có ý phế Triết Tông, nên đề nghị truy phế Thái hoàng. Nhưng Hướng Thái hậu cùng Chu Thái phi hết lòng khuyên can, việc mới bị đình chỉ[9].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Khâm Thánh Hiến Túc Hoàng hậu https://ctext.org/wiki.pl?if=gb&chapter=756546#p30 https://zh.wikisource.org/wiki/%E5%AE%8B%E5%8F%B2/... https://zh.wikisource.org/wiki/%E5%AE%8B%E5%8F%B2/... https://zh.wikisource.org/wiki/%E5%AE%8B%E5%8F%B2/... https://zh.wikisource.org/wiki/%E5%AE%8B%E5%8F%B2/... https://zh.wikisource.org/wiki/%E5%AE%8B%E5%8F%B2/... https://zh.wikisource.org/wiki/%E5%AE%8B%E5%8F%B2/... https://zh.wikisource.org/wiki/%E5%AE%8B%E5%8F%B2/...